Helen và Kelly (tên mới giờ đây của các con là Mercy và Hope) là hai chú mèo mù cả hai mắt, bị bỏ lại tại một phòng khám thú y cùng một bạn mèo mù một mắt khác nữa vào tháng 5/2012. Yêu Động Vật(YDV) đã đến cứu các bé ngay trước khi các bé sắp bị tiêm nhân đạo.
Sau khi đưa các bé đến một bác sĩ thú y khác để kiểm tra sức khỏe tổng quát, kiểm tra vết thương ở mắt, YDV được biết các bé là vật thí nghiệm của các sinh viên thú y, sau khi thực hành thì vứt bỏ các bé như phế thải.
YDV đã đưa các bé về ngôi nhà Restored Hope Foster Home (RHFH) để cùng sống với hơn ba mươi bé mèo chó khác. Thời gian đầu, Mercy và Hope rất khó khăn khi phải cùng sinh hoạt với quá nhiều bạn bè trong một diện tích chật hẹp. Mercy và Hope thường quay vòng vòng, cố thủ dưới gầm cầu thang, gương mặt chưa bao giờ hết vẻ sợ hãi và bấn loạn.YDV từng thử tìm nhà mới cho Mercy và Hope, nhưng vô vọng. Cá biệt, Mercy và Hope còn nhận phải lời nhận xét “nhìn mắc ói”. Sau một thời gian tìm kiếm, YDV quyết định Mercy và Hope sẽ ở lại mãi mãi trong ngôi nhà Restored Hope Foster Home.
Đầu tháng 2/2013, RHFH chuyển sang địa điểm mới, rộng rãi, thoáng mát và có nhiều nắng nhiều gió hơn. Tại đây, Mercy và Hope tỏ ra dễ chịu hơn, thoải mái hơn và thân thiện hơn. Mercy và Hope không còn quay vòng vòng, không còn cố thủ mà có thể nằm ưỡn đón nắng gió của ngôi nhà ven sông. Mercy và Hope cũng trở nên thân thiện với mọi người hơn, 2 nhóc có thói quen dụi người và cọ đầu vào bất kỳ ai ở xung quanh, chỉ để được ôm ấp và vuốt ve. Chúng cũng thích được trò chuyện. Mỗi khi nói chuyện với chúng, chúng sẽ ngẩng mặt lên, nhìn bạn bằng đôi mắt mù, một đôi mắt mù tràn đầy biểu cảm. Mercy và Hope đã dần quên đi những đau đớn và hoảng loạn mà chúng từng trải qua.
Ngày 9/3/2013, ông Robert Lucius (người sáng lập tổ chức Kairos Coalition, người luôn đồng hành cùng YDV từ những ngày đầu) từ Mỹ đã đến thăm RHFH. Tại đây, ông đã chứng kiến cảnh sống của gần 50 chú mèo và 3 chú chó với những hoàn cảnh xuất thân khác nhau. Cũng trong buổi sáng định mệnh ấy, ông bắt gặp ánh nhìn của Mercy. Nó đứng cách ông một đoạn, nhìn ông bằng đôi mắt mù, cái mặt ngẩng lên, có vẻ như nghe ngóng. Ông gọi nó, nó chạy lại, dụi người và cọ mũi vào tay ông. Robert và Mercy không rời nhau nửa bước suốt buổi sáng hôm đó. Sau khi nghe kể về hoàn cảnh trước đó của Mercy và sự chối bỏ của rất nhiều người đối với nó, Robert nói ông muốn đưa nó sang Mỹ và tìm cho nó một người chủ yêu thương nó suốt đời.
Đây là Mercy và Hope khi còn ở nhà tình thương RHFH.
Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa ông Robert và Mercy.
Chị Vi Thảo Nguyên – người sáng lập YDV, tâm sự: “Tôi đã làm việc cùng Robert trong một khoảng thời gian gần hai năm, tôi biết những gì chúng tôi nói với nhau, đề cập đến, có ý định… đều không phải nói đùa, và chắc chắn bằng cách nào đó, chuyện đó sẽ thành hiện thực…”.
Robert trở về Mỹ vào đêm 10/3. Chỉ trong vòng 24 giờ, YDV nhận được tin ông báo rằng đã có một gia đình rất tốt tại Mỹ muốn đón Mercy. Việc của YDV là đưa được Mercy sang Mỹ. Lúc này, YDV quyết định sẽ đưa cả Hope cùng đi, theo Robert, là “để chúng có bạn đồng hành và không cảm thấy buồn khi bay một chuyến bay quá dài.”
“Năm 2011, tôi từng có một trải nghiệm khó quên khi nhân một chuyến công tác, tôi cũng đưa 2 nhóc mèo khỏe mạnh của tổ chức A.R.C từ Vietnam qua Mỹ để chúng được đoàn tụ cùng chủ cũ. Nhưng đó là 2 nhóc mèo hoàn toàn khỏe mạnh. Tôi thật chưa thể hình dung 2 con mèo mù sẽ thế nào trên một chuyến bay dài. Tôi hít một hơi thật sâu, tự nhủ: ‘Sẽ ổn cả thôi.’” – chị Vi Thảo Nguyên chia sẻ.
Việc đầu tiên là tìm một người nào đó bay từ Vietnam đến San Francisco. Một người phải đủ sự cảm thông, đủ tình yêu thương, đủ sự quan tâm dành cho hai sinh vật đáng yêu này. Một người không ngại phiền phức để chuẩn bị những giấy tờ cần thiết. Và quan trọng, một người mà YDV phải thân quen, phải đủ tin tưởng, bởi được cảnh báo rằng không nên nhờ những người quá xa lạ, bởi từng có những trường hợp họ nhận đưa chó mèo đi, và sau đó nhét ma túy vào người chó mèo để đưa qua nước bên kia, và khi vụ việc được phát hiện, người đứng ra đưa mèo đi (trong trường hợp này là YDV) và người nhận mèo (trong trường hợp này là ông Robert) sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Tìm người bay từ Vietnam qua SFO đã khó, tìm được một người hội đủ các yếu tố trên thì có lẽ cơ hội cho Mercy và Hope càng giảm thấp.
Kỳ lạ thay, thông báo “tìm người” của chị Vi Thảo Nguyên đăng trên Facebook vào ngày 12/3, chưa đầy mười giờ đồng hồ sau, một anh bạn gửi tin nhắn cho chị, cho biết anh sẽ có chuyến công tác đến SFO vào ngày 23/3. Đó là anh Trần Vinh. “Tôi chưa từng gặp người đàn ông này ngoài đời, nhưng trao đổi qua facebook thì có, và bạn biết đó, những người có cùng chung mối quan tâm và tình thương với các con vật đáng thương, họ rất dễ nhận ra nhau. Tôi tin tưởng tuyệt đối người đàn ông này. Và chính anh làm cho tôi cảm thấy vô cùng an tâm khi Mercy và Hope được đi với anh. Tôi đọc tin nhắn, rùng mình. Không thể trùng hợp như thế được.” – chị Nguyên chia sẻ.
Vậy là chỉ có mười ngày để lo mọi giấy tờ cần thiết. Trong khi trước đó YDV được thông báo là để hoàn thành mọi thủ tục cần đến 3 tuần. Gọi cho bác sĩ Nghĩa, thông báo mọi diễn biến và hỏi bác sĩ Nghĩa liệu có thể xong kịp mọi thủ tục trong mười ngày không, bác sĩ Nghĩa trả lời: “Kịp. Tôi sẽ giúp chị, chị cứ yên tâm.”
Tức tốc ngay sáng hôm sau, YDV nhờ một bạn tình nguyện viên của A.R.C(cũng là tổ chức mà bác sĩ Nghĩa đang hoạt động) là Minh, sang RHFH đón Mercy và Hope đưa qua Saigonpet Clinic của bác sĩ Nghĩa để tiêm ngừa, kiểm tra FIV FLV, gắn microchip. Mọi người thấp thỏm đợi, vì nếu Mercy và Hope mắc bệnh FIV / FLV (một dạng gần giống với HIV ở người) thì các nhóc sẽ không được đi, vì sang đến Mỹ nếu phát hiện sẽ bị tiêm nhân đạo ngay lập tức. Đến chiều, bác sĩ Nghĩa gọi điện báo kết quả kiểm tra FIV và FLV của Mercy và Hope là âm tính, tức là các bé hoàn toàn khỏe mạnh. Tất cả thở phào.Trong lúc này, anh Trần Vinh cũng tiến hành một số thủ tục theo quy định với hãng Korean Air về việc sẽ mang theo hai chú mèo. Khó khăn liên tục xuất hiện. Có những lúc anh phải đến tận hãng bay để tìm hiểu quy định và trao đổi thêm với hãng bay. Theo quy định, hai mèo không được ở chung một lồng. Vậy thì tách ra. Nhưng tách ra hai mèo hai lồng thì lại phải đối mặt tiếp với một quy định khác, đó là mỗi người chỉ được mang theo một lồng. Vậy nghĩa là, hoặc là Mercy, hoặc là Hope, không thể cả hai. May thay, anh Trần Vinh không đi một mình, mà anh đi công tác cùng với đoàn, vậy là anh Vinh nhờ anh đồng nghiệp của anh là anh Nguyễn Nhật Tuyên đứng tên cho bé Hope. Không thể may mắn hơn.
Tiếp theo, tiền. Bản thân chị Vi Thảo Nguyên đã từng đưa hai bé mèo của tổ chức A.R.C đi, chị biết nó rất tốn kém. Tiền kiểm tra FIV FLV, gắn microchip, lồng theo quy định, chi phí bay…, hai đứa tổng cộng 12.700.000 đồng. Một số tiền không nhỏ. YDV không muốn phiền ông Robert, mặc dù biết nếu đề nghị ông hỗ trợ luôn phần chi phí này thì chắc ông cũng sẽ không từ chối. Nhưng ông đã giúp quá nhiều, YDV muốn tất cả chúng ta đều có cơ hội để giúp đỡ những con vật đáng thương. Chị Nguyên kể lại câu chuyện về Mercy và Hope, tôi kêu gọi mọi người trong cộng đồng YDV cùng chung tay. Bên cạnh những lời đàm tiếu, những lời nhiếc mắng và xỉ vả, lạ lùng thay, chỉ trong vòng sáu ngày kêu gọi, YDV đã nhận được nhiều hơn số tiền cần thiết. Một kết quả bất ngờ, đủ để thấy rằng YDV không bao giờ đơn độc, Mercy và Hope cũng không hề đơn độc, mà đâu đó khắp nơi, nhiều người vẫn luôn dõi theo và ủng hộ hành trình đi tìm hạnh phúc của Mercy và Hope.Trong thời gian này, YDV nhận được nhiều lời đề nghị hãy suy nghĩ lại, bởi việc đưa Mercy và Hope đi như thế chưa biết sẽ tốt hay xấu, liệu có bất trắc gì không, liệu chúng có chịu đựng nổi chuyến bay dài như thế không, liệu chủ mới có yêu thương chúng hay không… YDV cũng lo, rất nhiều, những nỗi lo không thể nói thành lời. Nhưng, YDV có lòng tin của mình, vào bất kỳ việc gì có thể làm. Với chị Nguyên, “Tôi luôn tin có ánh sáng và tình yêu thương dẫn đường cho tôi. Niềm tin đó trong tôi luôn mãnh liệt.”
Ngày 21/3, mọi thứ đều đã sẵn sàng, chỉ đợi đến ngày 23/3 Mercy và Hope lên máy bay.
“Passport” của hai bé.
Sáng 23/3, chị Nguyên đến RHFH thăm Mercy và Hope lần cuối, cũng là để kiểm tra lại mọi thứ trước khi chúng lên đường. Chúng gác tay nằm dài phơi nắng, cặp mắt mù lim dim. Một tư thế phè phỡn chưa từng thấy. Chị gọi chúng. Chúng lăn lộn và ủn người vào người chị, liếm láp, cắn cắn cạp cạp, nhõng nhẽo chưa từng có. Chị đoan chắc chúng biết chúng sắp đi. Dù chưa biết đi đâu, nhưng chúng thừa hiểu YDV chỉ đưa chúng đến nơi tốt hơn. Chỉ có thể là tốt hơn. Chắc chắn là như vậy. Nên trông chúng yên tâm và khoan khoái lắm.
19:30, nhóm YDV quay lại RHFH, chuẩn bị lót lồng cho chúng. Chị Nguyên nói: ” Tôi có thể nhờ những người bạn của tôi tại RHFH lót lồng cho chúng, nhưng tôi muốn tận tay được làm công việc cuối cùng này. Mấy ngày trước đó, tôi và Đoan Vy đi tìm mua cho Mercy và Hope 2 chiếc áo Batman, một đứa màu xanh, một đứa màu đỏ, thật dễ thương hết biết. Chúng tôi còn đi chọn mua 2 chiếc khăn lông dày để lót lồng, vì biết rằng khi bay chúng sẽ rất lạnh…
Lồng của 2 con trước khi lên đường.
Hai bé được mặc áo đẹp, chào tạm biệt các bạn, các anh chị YDV, cô bảo mẫu trước khi đi.
Hai nhóc nằm trong lồng chuẩn bị làm thủ tục ở sân bay.
Tôi trải chiếc khăn lông dày vào lồng, đặt vào trong đó 2 con cá bằng vải nhồi catnip. Mắt tôi cay xè. Tôi rất ghét cái cảm giác này. Bên trong nhà, Mercy và Hope đã được các chị mặc áo xong xuôi, chúng tỏ ra khá là bực bội khi bị tròng cái áo xanh đỏ vào người. Mercy thì cứ lăn lộn tìm cách cởi áo ra, Hope thì bực quá lấy nón xụp xuống mặt rồi nằm ngủ luôn. Tôi đưa chúng vào lồng, bảo chúng nó chào cô bảo mẫu rồi đi.”Đúng 20:45, nhóm YDV đưa chúng ra sân bay bằng taxi. Nghe tiếng chúng kêu gào có phần hoảng sợ, mọi người sắp khóc, vì nghĩ đến cảnh chúng sẽ hoảng thế nào khi ở trên máy bay. Ở đó sẽ không có ai ôm hay trấn an chúng.”21:55, nhóm gặp anh Trần Vinh tại sân bay, cùng anh đưa Mercy và Hope vào bên trong để làm thủ tục. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Mọi người thấy yên lòng hơn khi Korean Air đính một cái tag “Priority” lên lồng của mỗi đứa. YDV còn được đưa chúng vào tận “phòng đợi” của tụi nó, tại đây, từng đứa được bắt ra để hải quan kiểm tra lồng. Chúng bấu tay vào chị Nguyên, chị ôm lấy chúng, vỗ về. Lồng được kiểm tra xong, chị đặt chúng trở lại. Trấn an. Chúng có vẻ hiểu. Nằm im, không nói gì. Mọị người bảo hai đứa đi ngoan nhé, không được khóc và không được phá. Cứ ngủ ngoan, sang đến bên kia là tụi con được an toàn.23:55, máy bay cất cánh. Mọi người trở về, vừa vui vì thấy cũng yên tâm với những gì đã diễn ra, vừa lo lắng cho 24 giờ bay sắp tới. Mong chúng không bị lạnh. Mong chúng đừng hoảng vì bóng tối bao quanh. Mong chúng đừng sợ vì tiếng động cơ rền rền. Mong chúng ngủ ngoan và ngủ say suốt 24 tiếng.
Chân thành cảm ơn các anh Tran Vinh và anh Nguyễn Nhật Tuyên đã đưa Mercy và Hope đến nơi an toàn.24:00 ngày 25/3, nín thở đợi tin anh Trần Vinh. Và mọi chuyện diễn ra không thể tốt đẹp hơn. Ông Robert Lucius đã đón Mercy và Hope tại sân bay San Francisco. Chào mừng 2 con đến với vùng đất mới, với những người mà ta biết chắc là họ sẽ mang lại cho 2 con một cuộc sống tốt đẹp suốt đời.
Những hình ảnh của mèo Mercy và Hope khi được ông Robert đón và về đến ngôi nhà mới…
Mercy với thức ăn và nước uống mới khi ngồi trong xe của ông Robert.
Hope đã đến nơi an toàn khi chạm được vào bàn tay bảo vệ của ông Robert.
Mercy được cho ra khỏi lồng và tự do ăn uống trong xe của ông Robert.
Nơi Mercy và Hope sẽ được gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe.
Mercy trong vòng tay của một nhân viên tại Animal Friends Rescue Project.
Chào mừng hai bé đến với Hoa Kỳ – ngôi nhà mới, vùng đất mới và cũng là phần đời hạnh phúc còn lại của hai bé.
Tavan, cha nuôi của Mercy và Hope đưa 2 con từ Animal Friends Rescue Project về nhà.
Mercy và Hope vừa về đến nhà của cha mẹ nuôi.
Theo lời của cô Polaris, mẹ nuôi của Mercy, Mercy rất hiếu động và tự khám phá căn phòng một mình. Khi cô mở cửa rất khẽ bước vào, Mercy chạy ra mừng cô ngay.
Một góc phòng của Mercy và Hope.
Trong vòng tay của Tavan, cha nuôi của Mercy và Hope.
Hope có vẻ dè dặ hơn, một hồi lâu khi Mercy chạy nhảy khắp phòng rồi thì Hope mới chịu chui ra.
Phòng của Mercy và Hope đã được chuẩn bị chu đáo từ trước.
Mercy khám phá phòng mới. Cu cậu thích lắm.
Bình nước róc rách, tiện hơn cho mèo khiếm thị sử dụng .
Mercy tỏ ra không sợ sệt gì cả, Hope thì e dè hơn.
Sau cùng Hope cũng chịu ra với cha nuôi.
Mẹ nuôi làm quen với các con.
Hope rất nghịch ngợm.
Cả Hope và Mercy đều cảm thấy thích thú với nhà mới. Lúc nào cũng tìm tay cha mẹ nuôi để dụi người. Cả 2 đang tăng cân, lông bắt đầu ra đều và bóng (khi còn ở VN Mercy và Hope bị trụi lông từng mảng, có chỗ chảy máu nữa).
Chân thành cảm ơn tất cả anh chị, bạn bè, nhà hảo tâm đã chung tay cùng Yêu Động Vật.
Yêu Động Vật
Comments